Tác nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà và tiêu chuẩn ASHRAE 62.1

          Trước sự tăng lên của nhiệt độ trái đất, cuộc sống hiện đại tại các đô thị, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,... thì thời gian sinh hoạt của mọi người ở trong nhà đang chiếm phần lớn (tới 70 - 90%) thời gian sống. Nhiều người vẫn có suy nghĩ rằng tình trạng ô nhiễm không khí chỉ xảy ra bên ngoài đường phố nơi có xe cộ tấp nập qua lại và họ có thể tránh không khí ô nhiễm bằng cách về nhà đóng kín cửa và bật điều hòa. Nhưng sự thật lại không đơn giản như vậy. Các tác nhân gây ô nhiễm không khí cũng tồn tại ngay trong chính ngôi nhà của bạn, kể cả khi bạn có đóng kín tất cả các ô cửa đi chăng nữa. 

          Để làm rõ vấn đề này, chúng ta cần hiểu thêm về các tác nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà và nguồn gốc của chúng. Và theo tiêu chuẩn ASHARE 62.1, tiêu chuẩn của Hiệp hội các Kỹ sư Nhiệt lạnh và Điều hòa không khí Hoa Kỳ thì mức cho phép của các tác nhân gây ô nhiễm này là bao nhiêu? 

I. Các tác nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà và tác hại của chúng

1. Các hạt siêu nhỏ PM (Particulate Matter)

          Định nghĩa: PM (Particulate Matter) là thuật ngữ chỉ một hỗn hợp các hạt rắn và giọt chất lỏng được tìm thấy trong không khí như bụi, bồ hóng (một dạng định hình của Cacbon vô định hình) hay khói thuốc lá có kích thước đủ lớn để có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng cũng bao gồm các hạt nhỏ đến mức chỉ có thể phát hiện bằng kính hiển vi như:

          - PM10: hạt có thể hít vào với đường kính khoảng 10 micromet và nhỏ hơn;

          - PM2.5: hạt mịn có thể hít vào với đường kính khoảng 2.5 micromet và nhỏ hơn (nhỏ hơn sợi tóc khoảng 30 lần).

(Nguồn: epa.gov)

          Nguồn gốc phát sinh: những hạt này có nhiều kích cỡ và hình dạng, có thể được tạo thành từ hàng trăm hóa chất khác nhau. Một số có thể đến từ một nguồn xác định như công trường, mặt đường không được trải nhựa, cánh đồng, bãi đất trống, khói, khí thải…Hầu hết các hạt hình thành trong khí quyển là kết quả của các phản ứng phức tạp của các hóa chất như Lưu huỳnh Dioxide (SO2), Nitơ Dioxide (NO2). Chúng đều là các chất phát ra từ các nhà máy nhiệt điện, công nghiệp và phương tiện giao thông. Vì có kích thước nhỏ và có mặt ở khắp mọi nơi như vậy nên lượng vi hạt này có trong không khí trong nhà là rất lớn và khó có thể lọc sạch hết được.

          Tác hại: PM2.5 và PM10 đi vào đường hô hấp khi con người hít thở, nhưng mức độ xâm nhập khác nhau tùy theo kích thước hạt bụi. Trong khi PM10 đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ trên phổi thì PM2.5 đặc biệt nguy hiểm vì chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu. PM2.5 là nguyên nhân gây nhiễm độc máu, máu khó đông khiến hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng, làm suy nhược hệ thần kinh điều khiển hoạt động của cơ tim gây ra các bệnh tim mạch. Những hạt bụi mịn xâm nhập vào cơ thể, làm giảm chức năng của phổi, viêm phế quản mãn tính, gây nên bệnh hen suyễn và ung thư phổi. Đồng thời khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn và có thể tử vong, làm cho thai nhi chậm phát triển. Trẻ sinh ra ít cân, nhiều khả năng bị suy nhược thần kinh và tự kỉ. Ngoài ra, PM2.5 còn chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA và gây ra đột biến gen.

Hình 1: Tác hại của PM2.5

 2. Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC)

          Định nghĩa: VOC (Volatile Organic Compound) là tên gọi chung của các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Chúng có điểm sôi rất thấp và dễ dàng được giải phóng thành dạng hơi hoặc khí từ những sản phẩm có chứa chúng. Nguồn gốc của chất này có thể là nhân tạo hoặc tự nhiên. Một số vô hại và cũng có rất nhiều chất rất độc hại với sức khỏe của con người như: Formaldehid (HCHO), Benzen (C6H6), Perchloroethylene (C2Cl4)…

          Nguồn gốc: VOC hầu hết đều là các chất độc hại nhưng chúng lại là thành phần của rất nhiều sản phẩm xung quanh chúng ta: thuốc lá, keo dán, các loại sơn, chất lỏng giặt khô, chất bảo quản gỗ, chất tẩy rửa và khử trùng, thiết bị làm mát không khí, vật liệu xây dựng, máy in,… Như vậy VOC có mặt ở tất cả mọi nơi, kể cả là những đồ vật trong nhà.

Hình 2: Nguồn gốc của VOC

          Tác hại: VOC hầu như tồn tại ở mọi nơi trong không khí nhưng chúng ta lại hầu như bỏ qua nó. Nguyên nhân là do cơ chế phản ứng của con người khi mà cơ thể tiếp xúc quá lâu với một mùi thì sẽ quen dần với mùi ấy và hoạt động của não bộ có xu hướng bỏ qua chúng khiến chúng ta gần như không “ngửi” thấy các mùi ấy nữa cho đến khi chúng ta rời khỏi không gian đó. Điều này thật sự nguy hiểm đặc biệt là trong khoảng thời gian giãn cách xã hội này khi mà lượng VOC chúng ta hít vào rất khó kiểm soát. Các chất VOC khi tiếp xúc nhiều có thể gây ra các vấn đề liên quan đến hô hấp, mắt, mũi, cổ họng. Nặng hơn nữa có thể làm tổn thương hệ thần kinh, gan, thận, thậm chí là gây ung thư nếu tiếp xúc trong một thời gian dài.

3. Vi khuẩn, virus, bào tử nấm

          Các loại vi khuẩn, virus, bào tử nấm: không khí trong nhà của chúng ta chứa rất nhiều các loại vi khuẩn, virus và bào tử nấm khác nhau. Từ tụ cầu khuẩn (Staphylococcus aureus), men nấm mốc, E.Coli, Salmonella, thậm chí là cả virus Corona… chúng đều có thể đang lơ lửng trong không khí xung quanh phòng của bạn.

          Nguồn gốc: Các vi sinh vật này có thể có trên quần áo, làn da khi bạn đi ra ngoài và mang về phòng, chúng cũng có thể có nguồn gốc từ trong chính căn phòng của bạn. Hơn 75% miếng bọt biển và giẻ lau chén bát có vi khuẩn Salmonella và E.Coli lẩn trốn. Ngoài ra còn có các dụng cụ nhà bếp khác như thớt, máy pha cafe, tủ lạnh và đặc biệt là bồn rửa hay mặt bếp. Và thậm chí là mọi thiết bị, mọi bề mặt trong căn phòng của bạn cũng cần được làm sạch vì vi sinh vật có thể tồn tại ở bất cứ đâu. Như virus Corona có thể tồn tại trong khoảng nhiệt độ 4-20 độ C trong vòng 5 ngày và ở nhiệt độ thấp hơn nữa thì chúng có thể tồn tại ngoài môi trường lên đến 1 tháng.

Hình 3: Virus Corona

          Tác hại: Các vi sinh vật này có khả năng cao gây ra các bệnh về hô hấp, kích ứng da, các vấn đề về hệ thần kinh, tim mạch, hệ tiêu hóa và thậm chí là dẫn đến tử vong như trường hợp dịch bệnh toàn cầu do virus Corona gây ra.

II. Tiêu chuẩn các chất ô nhiễm trong không khí theo ASHRAE 62.1-2019         

          ASHRAE (American Society of Heating, Refrigerating and Air-Conditioning Engineers): Hiệp hội các Kỹ sư Nhiệt lạnh và Điều hòa không khí Hoa Kỳ. Đây là hiệp hội có uy tín trên toàn thế giới và họ đưa ra tiêu chuẩn rất chi tiết về hệ thống thông gió cũng như nồng độ các chất gây ô nhiễm cho phép có thể xuất hiện trong phòng. Đối với tiêu chuẩn này chúng ta cần chú ý đến số liệu về IAQ (Indoor Air Quality), tức là số liệu về chất lượng không khí trong nhà thông qua nồng độ cho phép của các chất gây ô nhiễm được cho trong bảng sau:

Hình 4: Tiêu chuẩn các chất ô nhiễm trong không khí theo ASHARE 62.1 - 2019

          Ngoài ra có các mức tiêu chuẩn khác do các tổ chức khác nhau trên thế giới đưa ra như của LEED (Leadership in Energy and Environmental Design):

Hình 5: Tiêu chuẩn các chất ô nhiễm trong không khí theo các tiêu chuẩn khác nhau

          Thực tế, các con số đo đạc về các chất ô nhiễm trong không khí hiện nay đều vượt qua các ngưỡng trên, thậm chí là gấp nhiều lần. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng không khí trong nhà đang trở thành vấn đề cấp bách và cần thiết đối với tất cả mọi người trong tình cảnh hiện nay khi mà dịch Covid đang hoành hành.

          Hãy liên hệ chúng tôi để biết thêm thông tin chi tiết!